Tăng cường hợp tác, đối thoại
Diễn ra từ ngày 4 – 6/10 tại Hà Nội, Mạng lưới Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại ba bên quy tụ đại biểu từ 8 quốc gia: Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Trinidad & Tobago và Việt Nam. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ Giải pháp BES trong khuôn khổ BES-Net họp mặt trực tiếp, thúc đẩy hợp tác cùng xây dựng các chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết trong việc duy trì tính bền vững của đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Tại đây, các đại biểu đã trao đổi về việc triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal dựa trên tình hình thực tiễn mới nhất ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, bao gồm cả việc xem xét các kết quả nghiên cứu được công bố mới nhất từ Diễn đàn Chính sách – Khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) và các chiến lược nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan. Đồng thời, chia sẻ về các tác động, thách thức, cơ hội và bài học kinh nghiệm của các sáng kiến được Quỹ giải pháp BES hỗ trợ, nhằm đưa ra lộ trình hợp tác, nhân rộng các sáng kiến.
Đáng chú ý, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị là minh chứng cho thấy sự công nhận những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng của mình. “Việt Nam được biết đến về tính đa dạng sinh học độc đáo và giá trị vào loại bậc nhất trên thế giới, là quốc gia có các hệ sinh thái đa dạng từ rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển, với hơn 100 loài chim và 10% số loài thực vật là các loài đặc hữu tại đây”, ông Patrick Haverman thông tin.
Học hỏi và chia sẻ sáng kiến tới thế giới
Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, huy động tổng hợp các nguồn lực trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, Việt Nam đang dần khẳng định những đóng góp quan trọng trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu. Những cam kết, hành động và thành tựu đạt được về bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam đang trở thành những kinh nghiệm được nhiều quốc gia tham khảo.
Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023 cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN – đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc – Đông Á (EAAFP).
Diện tích rừng ngày càng tăng lên, nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước ĐDSH), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến năm 2022, độ che phủ đã lên tới 42,02%. Đặc biệt, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước…
Mặt khác, từ 2017 đến 2022, với sự hỗ trợ của BES-Net, Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA) với sự dẫn dắt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà cụ thể là Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên và môi trường. Trong đó bao gồm việc tổ chức một loạt các hội thảo tham vấn thu hút nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các bên thực hành trong nước và quốc tế.