GS Hoàng Thị Kim Quế. (Ảnh: PV) |
Hành trình “vào Nam ra Bắc” của nữ giáo sư
Tốt nghiệp đại học (ĐH) Luật tại Liên Xô cũ, mùa thu năm 1978, cô Hoàng Thị Kim Quế về công tác tại Trường Cán bộ Tòa án, sau sáp nhập với Trường ĐH Pháp lý Hà Nội (nay là Trường ĐH Luật Hà Nội).
Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ pháp lý biệt phái cho các tỉnh phía Nam, năm 1985, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền cử cô vào công tác tại Phân hiệu ĐH Pháp lý ở TP HCM (nay là Trường ĐH Luật TP HCM) trên cương vị là Trưởng Bộ môn Lý luận – Hành chính – Nhà nước.
Thời gian công tác tại Phân hiệu ĐH Pháp lý, cô tham gia giảng dạy cho các sinh viên luật, trí thức luật của Sài Gòn trước đây, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thẩm phán, thư ký tòa án, báo cáo viên pháp luật của TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Cô cũng đã tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung Nam Bộ, Tây Nguyên…
Cuối những năm 1980, cô lên đường sang Liên Xô cũ làm nghiên cứu sinh. Sau bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và nhận bằng Tiến sĩ Luật tại Liên Xô cũ, cô trở về nước để tiếp tục được cống hiến, được theo đuổi “con đường” giảng dạy và nghiên cứu luật học.
Hành trình “vào Nam, ra Bắc” của cô vẫn tiếp tục cho tới năm 1996, cô chính thức chuyển công tác về Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và gắn bó với Khoa Luật suốt từ đó đến nay. Tại Khoa Luật – ĐHQGHN, cô đã được giao đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Bộ môn Lý luận, Lịch sử nhà nước và pháp luật, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật.
Như vậy, sở dĩ nói vui “hành trình vào Nam ra Bắc” là vì một đời giảng viên của cô gắn liền với sự nghiệp tham gia đào tạo chuyên gia pháp lý cho đất nước tại 3 cơ sở hàng đầu cả Nam lẫn Bắc: Trường ĐH Luật TP HCM, Trường ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật – ĐHQGHN (nay là Trường ĐH Luật, ĐHQGHN).
Cô đã tham gia biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, tài liệu liên quan đến nhiều môn học, chương trình về Lý luận Nhà nước và Pháp luật; Nhà nước pháp quyền, Xã hội học pháp luật; Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Văn hóa pháp luật; Đạo đức và pháp luật, pháp luật bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; Lịch sử học thuyết chính trị – pháp lý; Luật tục, hương ước và pháp luật…
Cô đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật, pháp luật về phụ nữ, trẻ em, chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp bộ, tham gia các đề tài khoa học cấp Nhà nước; viết một số lượng lớn các bài báo khoa học đăng tạp chí, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế…
Với tư cách thành viên của Hội Nữ tri thức Việt Nam, cô cũng tích cực đóng góp vào công tác xây dựng văn bản pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật về phụ nữ, trẻ em, những đối tượng dễ bị tổn thương khác. Cô đã cùng đồng nghiệp đề xuất ý tưởng và tổ chức thành công nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học.
GS Hoàng Thị Kim Quế (thứ tư từ trái qua) cùng các đại biểu dự một hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức. (Ảnh: NVCC) |
Đáng nhớ nhất là các cuộc hội thảo: Nhà nước và Pháp luật Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI; Dịch vụ công; Nhà nước và Pháp luật các quốc gia thuộc ASEAN; Văn hóa pháp luật Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại; Lý thuyết pháp luật; Nguồn pháp luật; Tiếp cận các lĩnh vực văn hóa pháp luật: trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong quản lý nhà nước…
Khi được hỏi về nghề nghiệp mà cô đã và đang theo đuổi, cống hiến suốt hơn 40 năm qua, cô tâm sự chân tình: “Nghề nghiệp nào cũng cần có những tố chất cần thiết như ý thức trách nhiệm, tính kỷ luật và trung thực, mẫn cán với công việc được giao. Nghề dạy luật cũng không ngoại lệ. Người giảng viên luật vừa phải tham gia giảng dạy, vừa phải nghiên cứu khoa học, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật”.
Trong một hội thảo được tổ chức nhằm tri ân những đóng góp của GS Quế, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – lãnh đạo Khoa Lý luận và Lịch sử nhà nước và pháp luật (Trường ĐH Luật, ĐHQGHN) chia sẻ, GS Quế là một giảng viên, nhà khoa học đã làm việc với trách nhiệm, tâm huyết, đam mê nghề nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ, cô luôn nhận được sự tín nhiệm, quý mến của đồng nghiệp, học viên. GS Quế cũng là người đã triển khai xây dựng, giảng dạy một số môn học mới và định hướng, giúp đỡ các giảng viên đảm nhận một số môn học, hướng đi mới như Xã hội học pháp luật, Nhà nước và pháp luật các nước ASEAN…
Ngoài làm tốt công việc giảng dạy các môn học cơ bản là Lý luận nhà nước pháp luật, Lịch sử nhà nước pháp luật, Xã hội học pháp luật, Lịch sử các học thuyết chính trị – pháp lý và Nhà nước và pháp luật các nước ASEAN, GS Quế còn có nhiều đóng góp vào việc nghiên cứu khoa học theo hướng tích hợp triết học pháp luật, lý luận pháp luật. Đặc biệt là những công trình nghiên cứu chuyên sâu của GS Quế đã tạo nên dấu ấn riêng, đó là về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, văn hóa pháp luật và xã hội học về thực hiện pháp luật.
Những tâm đắc và trăn trở với pháp luật nước nhà
Thời gian còn làm công tác quản lý ở Khoa Luật – ĐHQGHN, cô Quế đã hướng dẫn và đưa nhiều sinh viên tình nguyện trợ giúp pháp lý cho cộng đồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chương trình tình nguyện trợ giúp pháp lý của Khoa Luật đã giải thích, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, đất đai, giao thông… cho bà con, làm việc với các tổ hòa giải.
GS Hoàng Thị Kim Quế phát biểu tại Hội thảo Khoa học Pháp luật, Nhà nước, đạo đức và văn hóa. (Ảnh: PV) |
Một điểm thú vị là khi cô tham gia các cuộc khảo sát điền dã về ý thức pháp luật, tình hình thực hiện của đồng bào Tây Nguyên, luật tục Ê đê, M’nông với pháp luật hiện hành.
Khi ấy, so sánh Bộ luật Dân sự với luật tục của người Ê đê, M’nông, cô rất ngạc nhiên vì có nhiều chế định của các luật tục này tuy tên gọi còn dưới dạng văn vần nhưng quy định nhiều nội dung có giá trị tham khảo, kế thừa trong xây dựng, thực hiện pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật môi trường… như quy định về giao kèo hợp đồng vô hiệu, về trung thực, không được bội tín trong thực hiện giao kèo/hợp đồng, điều kiện nhận con nuôi; bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước không bị ô nhiễm….
Đặc biệt, do tín ngưỡng, chế độ mẫu hệ thì theo các luật tục trên, vấn đề ly hôn rất hạn hữu – vợ chồng xích mích đưa ra Tòa án phong tục (trọng tài, người làm chứng, hòa giải rất chặt chẽ, bất đắc dĩ mới ly dị và trường hợp ly dị thì người đàn ông ra đi với hai bàn tay trắng).
Nhiều năm qua, chúng ta cũng coi trọng hòa giải, gần đây đã thành lập thiết chế đối thoại, hòa giải tại Tòa. Nghĩa là riêng lĩnh vực dân sự, những giao dịch đời thường có dòng chảy lịch sử tiếp nối nhau, dù không gian, thời gian khác nhau nhưng vẫn tương đồng và cũng cho thấy, luật tục có thể lạc hậu nhưng vẫn khai thác được trong cuộc sống dân sự hiện nay.
Chi tiết hay khác là đến bản Đôn (Đắk Lắk), đoàn khảo sát điền dã của cô hỏi bà con rằng nếu xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết theo pháp luật Nhà nước hay theo luật tục. Những câu trả lời mà cô nhận được từ bà con rất hồn nhiên, chân thật: “Ở đâu rẻ thì mình theo”. Câu trả lời ấy đặt ra vấn đề về chi phí tuân thủ, tính lợi ích kinh tế sao cho hợp lý, cũng như vấn đề về phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con phải tính đến yếu tố đặc thù. Nhờ vậy, cô đã hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện thành công đề tài về giáo dục pháp luật cho đồng bào ở Đắk Lắk.
Do đặc thù công việc giảng dạy nên dù về hưu từ tháng 6/2020, cô vẫn tích cực tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học với nhà trường để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đào tạo cán bộ pháp lý, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên trẻ trong Khoa Luật – ĐHQGHN và một số cơ sở đào tạo luật khác trên cả nước. Cô đánh giá cao đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay ở tính năng động, trình độ chuyên môn, tinh thần ham học hỏi, cầu thị, thường xuyên đổi mới hàng ngày, hàng giờ.
Nhiều năm gần đây, các cơ sở đào tạo luật có thêm một số loại hình đào tạo như văn bằng 2, văn bằng kép… Với cô Quế, tham gia vào các loại hình này, người giảng viên sẽ không làm nhiệm vụ giảng dạy đơn thuần mà ngược lại còn học hỏi, trải nghiệm thêm kinh nghiệm sống của học viên. Điều đó đòi hỏi bản thân giảng viên phải suy ngẫm, điều chỉnh lại phương pháp, nội dung giảng dạy, coi người học là thực tiễn sinh động của cuộc sống để cùng họ trao đổi chứ không truyền đạt kiến thức pháp luật thụ động.
Theo ghi nhận của GS Quế, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, bài giảng của cô mỗi lần lên lớp vì thế cũng sinh động hơn bởi thành tựu xây dựng pháp luật của đất nước. Tuy nhiên, cô vẫn có một số điều trăn trở. Đó là cô mong muốn tập trung nhiều hơn cho công tác thực thi pháp luật, trong đó có công tác quản trị, theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan hành chính.
Do vậy, cô ủng hộ xây dựng luật về theo dõi thi hành pháp luật mà Bộ Tư pháp đề xuất vì qua khảo sát 5 tỉnh thực thi pháp luật về giao thông, cô phát hiện sự trùng hợp là cả 5 địa phương, có 65-70% người vi phạm thừa nhận dù biết quy định của Luật nhưng thấy không được xử lý nên họ dễ tiếp tục vi phạm. “Luật pháp mà không được thực thi thì còn tệ hơn là không có pháp luật”, cô viện dẫn cách quan niệm của các nước phương Tây…
Đối với người trẻ tuổi, cô Quế cho rằng, nên có sự đầu tư của các ngành nghề để nghiên cứu giáo dục phòng ngừa vi phạm pháp luật của người trẻ trước hiện tượng trẻ hóa tội phạm hiện nay. Ở vị trí khiêm tốn của mình – như lời cô chia sẻ thì cô đã giao đề tài nho nhỏ này cho sinh viên nghiên cứu xung quanh vấn nạn bạo lực, các dạng bạo lực và cô đề xuất nên đã đưa vào bài giảng, bài tập cho sinh viên thường xuyên hơn để có thể phòng ngừa vi phạm, bạo lực đang ngày càng gia tăng.
“Suy rộng ra nghĩa là trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nên có bước đột phá, việc phổ biến nên phân hóa theo từng đối tượng và trước mắt cần đặc biệt hướng tới người trẻ”, GS Quế bày tỏ.
Cô Hoàng Thị Kim Quế được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư Luật học năm 2003, Giáo sư Luật học năm 2009; được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cơ quan như Bộ Tư pháp, ĐHQGHN…